Công trình

NHẬN THỨC AN TOÀN VỀ PHÒNG THÍ NGHIỆM

Khẩu hiệu: “An toàn là bạn, tai nạn là thù” không chỉ cần có ở các công trường xây dựng mà còn cần xuất hiện ở các phòng thí nghiệm. Yêu cầu an toàn ở phòng thí nghiệm không chỉ là đề phòng hỏa hoạn, tai nạn điện giật, an toàn về sức khỏe của nhân viên mà còn yêu cầu an toàn đối với vi sinh vật gây bệnh, an toàn cho môi trường xung quanh. Chỉ cần một thiếu sót nhỏ trong công tác quản lý của cấp trên hay sự lơ là của cấp dưới cũng đủ để xảy ra tai nạn.

Vì vậy, an toàn lao động nói chung và an toàn phòng thí nghiệm nói riêng là nhiệm vụ hàng đầu không chỉ của nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm mà của cả người quản lý. Nếu không tạo mọi điều kiện bảo vệ sức khỏe cho nhân viên phòng thí nghiệm, trang bị cho họ từ những kiến thức sơ đẳng nhất đến các dụng cụ bảo hộ lao động, thì cho dù có chế độ bồi dưỡng độc hại, chế độ nghỉ mát hàng năm tốt mấy đi nữa thì cũng không bù lại được tác hại của bệnh nghề nghiệp. Người quản lý không chỉ nghiên cứu những quy định hiện hành về bảo đảm an toàn lao động và các chế độ bảo hộ, phòng chống tai nạn mà còn cần dành thời gian đi xuống các phòng thí nghiệm để kiểm tra, nhắc nhở nhân viên; làm cho cán bộ các cấp có tinh thần trách nhiệm về an toàn lao động.

Trong cơ quan có nhiều phòng thí nghiệm cần thành lập ban an toàn chung hoặc mỗi lĩnh vực có một ban an toàn riêng. Ban an toàn bao gồm lãnh đạo, đại diện công đoàn, trưởng phòng thí nghiệm, cán bộ phụ trách an toàn lao động. Những quy định về an toàn của nhà nước, của cơ quan, của phòng thí nghiệm là cơ sở pháp lý cho ban an toàn làm việc. Khẩu hiệu đặt ra cho ban an toàn là đừng để tai nạn xảy ra rồi mới làm việc, mà phải làm việc để ngăn chặn những điều đáng tiếc. Tai nạn có thể giảm ngay từ khi thiết kế phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm, hành lang, cầu thang phải đủ ánh sáng; mặt sàn không gây trơn trượt; gọn gàng, sạch sẽ. Phòng thí nghiệm không ngăn nắp làm cho nhân viên lơ là việc bảo đảm an toàn.

Phòng thí nghiệm có thể là một nơi làm việc nguy hiểm, nên chúng ta phải chú ý đến việc bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng nghiệp. Mỗi cán bộ, nhân viên làm việc ở phòng thí nghiệm phải hiểu được những rủi ro có thể xảy ra trong lĩnh vực hoạt động của mình. Bạn có thể trải qua mấy năm học ở trường, thêm vài năm kinh nghiệm làm việc, nhưng vẫn có khuynh hướng làm những điều không đúng, làm tắt, không để ý đến những biện pháp phòng ngừa an toàn. Hoặc cho dù bạn rất cẩn thận trong khi làm việc, tai nạn vẫn có thể xảy ra.

Vì vậy, biết được hóa chất, thiết bị bạn đang làm việc cũng như cách xử lý trong tình trạng khẩn cấp sẽ quyết định đến sự an toàn của chính bạn và mọi người xung quanh. Bất cứ hóa chất nào khi cần sử dụng, bảng dữ liệu an toàn hóa chất (Material Safety Data Sheet – MSDS) sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về lý tính, hóa tính, độc tính cùng những hướng dẫn về cách sơ cứu và xử lý trong tình trạng khẩn cấp. MSDS cũng đề cập đến những thiết bị bảo vệ cá nhân thích hợp và các thông tin sử dụng khác. Bên cạnh vấn đề về an toàn hóa chất, an toàn thiết bị trong phòng thí nghiệm cũng rất quan trọng. Nắm được nguyên tắc làm việc, biết cách kiểm tra hoạt động của các thiết bị là một cách làm việc an toàn. Điều quan trọng là bạn hãy chấp hành tốt các nguyên tắc làm việc trong phòng thí nghiệm.

1. Không hút thuốc lá hay ăn uống trong phòng thí nghiệm.

2. Vào phòng thí nghiệm phải mặc áo blouse, quần dài, để tóc gọn gàng, đeo khẩu trang, găng tay và kính bảo hộ.

3. Không được sử dụng kính sát tròng khi làm việc trong phòng thí nghiệm.

4. Kiểm tra cẩn thận thiết bị, phương tiện, dụng cụ thí nghiệm trước khi sử dụng.

5. Hiểu rõ thông tin hóa chất (Material Safety Data Sheet – MSDS) và thực hiện theo hướng dẫn.

6. Khi thực hiện một phương pháp thử phải nắm vững phương pháp và hiểu rõ trước khi thực hiện.

7. Không để vật dụng, hóa chất trên sàn nhà, trên lối đi.

8. Khi cất nước phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước vào thiết bị, không để xảy ra cạn nước.

9. Khi sử dụng xong thiết bị như lò nung, tủ sấy, bếp đun...trong phòng thí nghiệm, phải tắt công tắc thiết bị và tắt nguồn điện.

10. Đổ bỏ hóa chất cẩn thận theo đúng quy định.

11. Vệ sinh nơi làm việc sạch sẽ, khô ráo sau khi thao tác xong thí nghiệm (xử lý ngay nếu đổ hóa chất).

12. Trường hợp bị bỏng với axit hay base rửa ngay với nước lạnh rồi bôi lên vết thương NaHCO3 1% (trường hợp bỏng axit) hoặc CH3COOH 1% (nếu bỏng base). Nếu bị bắn vào mắt, dội mạnh với nước lạnh hoặc NaCl 1%. Trường hợp bị bỏng nặng phải sơ cứu vết thương rồi đưa đến trạm y tế gần nhất.

13. Kiểm tra điện, nước trong phòng thí nghiệm trước khi ra về.



Các tin khác

facebook
Zalo
Zalo